Trẻ bị nẻ môi vì sao? Cha mẹ cần làm gì để khắc phục an toàn hiệu quả?
Tác giả
Tham vấn y khoa
Thời gian đăng
Thời gian cập nhật
Môi nứt nẻ là hiện tượng thường xảy ra trong mùa đông, đặc biệt là ở những vùng khô hanh, có độ ẩm thấp. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ với da môi mỏng hơn người lớn càng dễ gặp phải tình trạng này hơn bình thường. Vậy nguyên nhân khiến trẻ bị nẻ môi là gì? Các bậc phụ huynh có thể khắc phục môi nứt nẻ cho bé bằng cách nào để thật an toàn và hiệu quả? Theo dõi bài viết dưới để tìm câu trả lời nhé!
I. Những lý do chính khiến trẻ bị nứt nẻ môi
1. Lột da
Sau khi ra khỏi bụng mẹ, trẻ sơ sinh bắt đầu rụng một lớp gọi là vernix caseosa – chất gây. Lớp sáp trắng này là loại “kem dưỡng” đặc biệt, bảo vệ bé trong suốt quá trình mang thai. Nó xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, bao gồm môi. Khi chất gây trôi đi, lớp da còn lại cần một thời gian để thích ứng, nên hay bị bong tróc và khô.
Hiện tượng lột da thường quan sát thấy khi trẻ được 2 tuần tuổi, nhưng cũng có trường hợp bong da được ghi nhận sau 40 tuần. Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường và các loại kem, dầu dưỡng ẩm ít có tác dụng trong trường hợp này.
2. Mất nước
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh bị nẻ môi. Môi không chứa các tuyến dầu tiết dưỡng ẩm như các phần khác của da. Môi bé nứt nẻ, bong tróc da và trở nên khô cứng bất cứ khi nào các tế bào biểu bì bị mất nước.
Thời tiết hanh khô, se lạnh, với độ ẩm trong không khí thấp là một trong những yếu tố tác động chính khiến môi bé bị khô. Ngoài ra, nhiệt độ tăng quá cao, bé phải tiếp xúc với nắng, gió trong thời gian dài cũng làm bay hơi nước và môi trở nên khô tróc. Đó là lí do vì sao bé bị nẻ môi vào mùa hè.
Mặt khác, cơ thể thiếu nước cũng làm giảm độ ẩm ở môi. Trẻ không nạp đủ nước thông qua sữa, thực phẩm hoặc đang mắc một số bệnh lý như sốt, tiêu chảy,…có thể là căn nguyên gây khô môi.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ mất nước bên cạnh nứt nẻ môi là khóc ít hoặc không ra nước mắt, mắt trũng, da lạnh khô, đi tiểu ít, uể oải, lơ mơ, ngủ nhiều,…. Nếu phát hiện tình trạng này, cha mẹ cần cho con bổ sung nước và điện giải ngay lập tức.
Lưu ý, với trẻ dưới 6 tháng tuổi, không nên cho bé uống nước lọc, trừ khi có chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa. Cho trẻ uống nước lọc có nguy cơ làm sai lệch cách thức cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Cung cấp quá nhiều nước còn dẫn đến tình trạng ngộ độc nước, dẫn đến tình trạng co giật và hôn mê ở trẻ.
3. Liếm mút môi
Mút là một trong 6 phản xạ đầu đời của trẻ. Khi liếm mút liên tục, tuyến nước bọt tăng tiết và nhễu lên môi trẻ. Khi nước bọt bay hơi, nó sẽ đồng thời hút độ ẩm, khiến môi khô nứt nẻ và dễ bị tổn thương hơn.
4. Thở bằng miệng
Không khí đi qua môi liên tục sẽ lấy đi luôn độ ẩm trên môi bé. Ngạt mũi, tắc mũi hoặc các dị tật đường mũi là một số yếu tố khiến trẻ phải thở qua đường miệng và làm trẻ bị nẻ môi.
5. Mất cân bằng dinh dưỡng
Đôi khi, trẻ em bị nẻ môi có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt hoặc dư thừa chất dinh dưỡng. Thiếu vitamin B2 (riboflavin), B3 và B6 có thể gây khô, nứt và đau môi. Lượng kẽm, sắt thấp hoặc thừa vitamin A cũng có khả năng dẫn đến vấn đề tương tự.
Thiếu hoặc thừa chất có thể là căn nguyên trong các trường hợp nứt nẻ môi mãn tính. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên cho trẻ đi thăm khám ở bác sĩ chuyên khoa để xác định rõ.
6. Dị ứng
Làn da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mỏng manh và nhạy cảm hơn nhiều lần so với người trường thành. Hơn nữa, hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện cũng khiến trẻ dễ phản ứng với các yếu tố dị nguyên như hóa chất trong nước giặt xả quần áo, các thành phần trong mỹ phẩm, thuốc hóa dược,…. Thơm môi bé cũng có thể khiến môi bé bị kích ứng và khô ráp, nứt nẻ vì các vi trùng từ người lớn truyền sang.
7. Bệnh Kawasaki
Bệnh Kawasaki là một dạng viêm mạch máu hiếm gặp và chưa rõ nguyên nhân gây ra. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 2 tuổi, hiếm khi gặp ở trẻ dưới 3 tháng.
Một trong những biểu hiện của bệnh là môi đỏ, nứt nẻ và khô tróc da. Ngoài ra, bệnh còn làm trẻ bị sốt cao, mệt mỏi, xuất hiện vết ban đỏ trên da và sưng tấy ở các chi.
II. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nứt nẻ môi
Nứt nẻ môi ở trẻ nhỏ rất dễ quan sát và nhận biết. Cha mẹ có thể để ý thấy các biểu hiện như sau:
- Môi trông đỏ hoặc khô, bong vảy;
- Cảm thấy khô ráp, xù xì khi chạm vào môi;
- Các vết nứt xuất hiện trên bề mặt môi, trở nên sâu hơn theo thời gian;
- Có mặt các vết nứt gây chảy máu;
- Sạm da quanh môi.
Nẻ môi không gây nguy hại đến sức khỏe của bé, nhưng dễ khiến trẻ khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Trong một số trường hợp nghiêm trọng như trẻ bị nẻ môi chảy máu, điều này sẽ mang lại nhiều đau đớn và gây bất tiện trong vấn đề ăn uống bình thường.
Nhưng các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng nếu phát hiện trẻ em bị nẻ môi nhé. Nẻ môi có thể được khắc phục rất hiệu quả và an toàn bằng những cách thức đơn giản dưới đây.
III. Trẻ bị nẻ môi bôi gì? Biện pháp khắc phục trẻ bị nẻ môi hiệu quả, an toàn
1. Sữa mẹ
“Trẻ sơ sinh bị nẻ môi bôi gì?” là một câu hỏi khó với nhiều người, vì tình chất đặc thù của môi trẻ không phù hợp với các cách thức thông dụng khác. Tuy nhiên, thiên nhiên đã tự dành tặng cho mẹ một lời giải hoàn hảo cho đôi môi nứt nẻ của trẻ sơ sinh – sữa mẹ.
Sữa mẹ, đặc biệt là sữa non xuất hiện chỉ trong vòng 72h sau sinh, chứa lượng kháng thể dồi dào. Những kháng thể đó hỗ trợ bé chống lại nhiều chứng bệnh khác nhau, bao gồm cả nứt nẻ môi. Ngoài ra, hàm lượng nước và chất béo trong sữa mẹ cũng có tác dụng dưỡng ẩm tốt.
Dùng ngón tay sạch hoặc bông tăm thoa một lớp sữa mẹ mỏng lên môi trẻ khoảng 2 – 3 lần mỗi giờ vừa giúp làm dịu và dưỡng ẩm, lại hỗ trợ chống nhiễm trùng rất hiệu quả.
2. Lanolin
Lanolin là chất béo có nguồn gốc từ lông cừu, nên còn được gọi là mỡ cừu hay sáp lông cừu. Lanolin từ lâu đã được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm và chăm sóc da như một chất làm mềm, khóa ẩm, ngăn ngừa mất nước hữu hiệu. Với các sản phẩm mẹ và bé, lanolin được dùng để dưỡng da và trong các loại kem bôi nứt đầu ti cho mẹ vì tính an toàn cho trẻ sơ sinh.
Mỡ cừu giúp chữa lành và làm dịu các vết nứt, vết loét trên môi. Mẹ nên bôi một lớp lanolin lên môi cho bé vào ban đêm, trước khi đi ngủ đến hoạt chất giữ được trên môi lâu hơn và phát huy tối đa tác dụng. Trong trường hợp bé lỡ nuốt một ít lanolin vào bụng, mẹ không cần quá lo lắng vì sáp lông cừu không gây hại cho trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, lanolin cũng có khả năng kích ứng trên da nhạy cảm và gây ra các phản ứng dị ứng. Vì thế, nếu trẻ có cơ địa dễ dị ứng, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng mỡ cừu để chắc chắn nhất.
3. Dầu thiên nhiên
Các loại dầu tự nhiên, chẳng hạn như dầu ô liu và dầu dừa, có đặc tính dưỡng ẩm cực tốt. Thoa một lượng rất nhỏ một trong những loại dầu này lên môi có thể làm mềm da và giảm tình trạng khô ráp, bong tróc vảy.
4. Sáp dầu
Sáp dầu, hay petroleum jelly, là một chất dưỡng ẩm, làm mềm có nguồn gốc từ dầu khoáng. Kết cấu sáp cho phép nó phủ một lớp màng lên các lỗ chân lông, hạn chế sự bốc hơi nước ra ngoài. Thoa một ít petroleum jelly trước khi đi ngủ sẽ bảo vệ môi bé khỏi tác động của nước dãi hay các yếu tố khác như điều hòa, quạt,…
Vậy nhưng, mẹ lưu ý rằng, sáp dầu phải được sử dụng một cách thận trọng. Nó có thể gây tiêu chảy, đau dạ dày hoặc ho nếu trẻ nuốt phải. Vì thế, không nên dùng sáp dầu cho các bé nhỏ chưa ý thức kiểm soát được việc liếm, mút môi.
5. Son dưỡng cho trẻ sơ sinh
Tránh sử dụng son dưỡng môi của người lớn cho trẻ nhỏ. Chỉ các sản phẩm đã qua kiểm tra an toàn mới được dùng cho trẻ sơ sinh.Loại son dưỡng thích hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có bảng thành phần tự nhiên, không có chất tạo màu, tạo mùi hoặc bất kỳ thành phần nào có khả năng gây hại cho trẻ.
Cha mẹ nên đọc kỹ các nhãn dán và thông tin đính kèm để lựa chọn được sản phẩm dưỡng môi phù hợp với độ tuổi của trẻ. Nếu có thể, hãy nhờ hướng dẫn từ các bác sĩ, dược sĩ có kinh nghiệm.
IV. Hạn chế trẻ bị nẻ môi bằng cách nào?
1. Bảo vệ trẻ khỏi thời tiết cực đoan
Một cách tuyệt vời để ngăn cản gió lạnh, nắng gắt ảnh hưởng đến đôi môi của trẻ sơ sinh là luôn dưỡng môi cho bé trước khi ra khỏi nhà. Chỉ với động tác đơn giản là thoa một lớp son dưỡng hoặc chấm một ít sữa mẹ là mẹ đã có thể an tâm đưa bé ra ngoài mà không phải lo lắng về vấn đề nứt nẻ, bong tróc ở môi.
Mẹ cũng nên cho bé dùng khẩu trang hoặc khăn, tạo lớp che chắn bảo vệ trẻ trước các dị nguyên gây dị ứng như ô nhiễm môi trường, phấn hoa, lông động vật,…
2. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà
Đây là cách thức giúp duy trì độ ẩm trong không khí luôn ở mức hằng định. Ngoài ra, máy tạo độ ẩm còn hỗ trợ giảm thiểu tình trạng khô da, khô mũi hoặc nghẹt mũi khi trời khô hanh hoặc dùng điều hòa nhiều.
3. Tăng cữ bú
Cho trẻ bú thường xuyên hơn nếu trẻ có dấu hiệu mất nước, với khô môi là biểu hiện điển hình. Nếu trẻ bú không đủ để duy trì đủ nước trong cơ thể, mẹ thường sẽ thấy trẻ tiểu ít hơn và vệ sinh ra phân rắn hoặc cứng.
4. Bổ sung thêm vitamin và khoáng chất
Thiếu vitamin nhóm B là một trong các lý do dẫn đến trẻ bị nẻ môi. Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B như trứng, sữa, gan, rau xanh, bắp cải,… Ngoài ra, cho bé dùng nhiều hoa quả tươi, vừa cấp nước cho cơ thể, vừa thu được những loại vi chất cần thiết.
Trên đây là những nguyên nhân khiến trẻ bị nẻ môi ,dấu hiệu nhận biết và cách xử lý an toàn, hiệu quả cho bé. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào, hãy cho chúng tôi biết bằng cách comment tại mục bình luận bên dưới bài đăng hoặc liên hệ tổng đài miễn cước 1800 8179. Đừng quên truy cập website kutieskin.vn thường xuyên để không bỏ lỡ những bài chia sẻ hữu ích khác nhé !
Xem thêm :
Top 7+ Mẹo chữa trẻ bị nẻ mặt cực kỳ an toàn cho mẹ bỏ túi
Trẻ sơ sinh bị nẻ má: Nguyên nhân và cách phòng chống hiệu quả
Nguồn : https://kutieskin.vn/