Bé bị mẩn ngứa phải làm sao? Mách mẹ 5 cách xử lý hiệu quả
Tác giả
Tham vấn y khoa
Thời gian đăng
Thời gian cập nhật
Mẩn ngứa là bệnh da liễu cực kỳ phổ biến ở trẻ nhỏ, có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm hay lứa tuổi nào. Tuy có vẻ không thật sự nguy hiểm, mẩn ngứa làm bé bứt rứt, khó chịu. Hơn nữa, mẩn ngứa còn có khả năng là dấu hiệu cảnh báo của các tình trạng bệnh nguy hiểm hơn. Vậy nên, bé bị mẩn ngứa phải làm sao, cha mẹ cùng theo dõi thông tin phía dưới nhé.
I. Bé bị mẩn ngứa phải làm sao?
1. Vệ sinh thân thể sạch sẽ
Mẩn ngứa ở trẻ có phần căn nguyên do mồ hôi, bụi bẩn đọng lại trên da, kích ứng gây ngứa ngáy. Vì thế, vệ sinh thân thể cho bé sạch sẽ sẽ góp phần hạn chế tình trạng mẩn đỏ, sưng ngứa xảy ra. Hơn nữa, các vi sinh vật cũng được dọn dẹp kèm theo, ngăn cản chúng tấn công các vết mẩn làm tình trạng bệnh nặng nề hơn.
* Một số lưu ý cho cha mẹ khi vệ sinh thân thể cho bé như sau:
- Nên dùng nước ấm vừa phải để lau người hoặc tắm rửa cho bé. Nước quá nóng hoặc quá lạnh đều có nguy cơ gây kích thích đến phần da mẩn ngứa nhạy cảm. Nước quá nóng còn khiến các tế bào da bị bay hơi ẩm, trở nên khô tróc và càng làm bé khó chịu hơn.
- Hạn chế chà xát mạnh lên khu vực mẩn ngứa. Mẹ dùng khăn mềm hoặc vải sạch, thấm nhẹ nhàng.
- Cắt móng tay, móng chân gọn ghẽ cho trẻ. Tránh cho trẻ sờ, chạm hoặc gãi các nốt mẩn, hạn chế tình trạng nhiễm trùng da. Với các bé sơ sinh, cha mẹ có thể cho con dùng bao tay.
- Không nên lựa chọn sữa tắm, dầu gội, xà phòng có độ tẩy rửa mạnh hoặc bào mòn da. Cho trẻ tắm rửa với các sản phẩm dịu nhẹ, lành tính. Mẹ cũng có thể dùng các loại nước lá thảo dược như trà xanh, lá khế, tía tô,… để lau, tắm cho bé.
2. Lựa chọn quần áo thông thoáng cho bé
- Quần áo, tã bỉm là thứ tiếp xúc gần gũi nhất với da của trẻ hầu hết cả ngày. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi chúng có thể là thủ phạm khiến mẩn ngứa xuất hiện ngoài da.
- Bất kỳ loại sợi dệt nào cũng có khả năng khiến da trẻ bị kích ứng, nhưng khả năng thường nghiêng nhiều về quần áo làm bằng chất liệu tổng hợp như polyester, rayon, nylon, spandex hoặc cao su. Những loại vải này không cho phép không khí lưu thông tốt như sợi tự nhiên.
- Kết quả là, chúng khiến bé đổ mồ hôi nhiều hơn. Ngoài ra, thuốc nhuộm hoặc các hóa chất khác trong vải may mặc cũng có khả năng khiến trẻ bị mẩn ngứa.
- Sự kết hợp giữa vải bó sát và mồ hôi cọ xát vào người khiến da trở nên bí bách, bít tắc các lỗ chân lông, từ đó làm vi khuẩn sinh sôi và gây nên hàng loạt tình trạng da liễu khác nhau, trong đó có mẩn ngứa.
Chính vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ mặc các loại quần áo rộng rãi, thoáng mát, làm từ sợi cotton thấm hút mồ hôi và thông khí. Hạn chế cho bé mặc đồ bó chật, thô ráp, dày cứng hoặc măc quá nhiều lớp quần áo.
3. Tắm lá thảo dược trị mẩn ngứa
Trẻ bị nổi mẩn ngứa phải làm sao là câu hỏi mà không ít bậc phụ huynh thường xuyên thắc mắc, nhất là vào dịp nắng nóng. Trong rất nhiều cách thức khác nhau, sử dụng các loại lá thảo dược tắm cho bé được nhiều mẹ tin tưởng chọn lựa. Bên cạnh tính hiệu quả cao, tắm lá trị mẩn ngứa khá lành tính và an toàn cho làn da của trẻ nhỏ.
Cha mẹ có thể tham khảo một số loại thảo dược dùng tắm cho trẻ bị mẩn ngứa ngoài da phổ biến dưới đây:
- Trà xanh: Lấy 100gr lá trà xanh tươi, không bị vàng úa, sâu bệnh, rửa sạch rồi ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút để loại sạch bụi bẩn. Vò dập lá trà, cho vào 2 lít nước sạch, đun sôi tầm 10 phút. Bỏ bã, chắt nước dịch, để nguội rồi pha nước tắm cho bé. Tráng lại một lần bằng nước sạch.
- Kinh giới: Chọn một nắm lá kinh giới tươi (cả cuộng), rửa sạch, vò nát, vắt lấy dịch cốt. Hòa dịch vào chậu nước tắm có nhiệt độ vừa phải để lau người cho trẻ. Kinh giới có tác dụng sát trùng và giảm mẩn đỏ, viêm sưng trên da rất hiệu quả.
- Sài đất: Sài đất tính mát, sở hữu khả năng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm cực hữu hiệu, tác dụng cực tốt với các vết mụn nhọt, sưng ngứa trên da trẻ nhỏ. Mẹ dùng khoảng 100gr cây sài đất, rửa và ngâm kỹ với muối loãng (vì sài đất là cây mọc dại nên có nhiều tạp chất). Sau đó, cho sài đất đã rửa sạch vào nồi nước, đun sôi trong 5 phút rồi hòa với nước lạnh dùng tắm cho trẻ.
4. Chườm mát
Mẩn đỏ, viêm ngứa thường khiến da của bé bị khô căng hoặc nóng rát. Đó là lý do tại sao việc chườm mát lên vùng da bị bệnh sẽ giúp con cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn nhiều lần.
Tất cả những gì mẹ cần làm đơn giản chỉ là sử dụng tìm một chiếc khăn bông hoặc vải sạch, ngâm vào nước lạnh, vắt ráo nước và nhẹ nhàng đặt lên vùng da mẩn đỏ cho bé. Mặc dù chỉ là tạm thời, nhưng cảm giác ngứa ngáy, căng tức sẽ biến mất tức thì.
Ngoài ra, mẹ còn có thể sử dụng lô hội, dưa chuột, củ đậu,… để chườm mát da. Chứa hàm lượng nước cao, kết hợp cùng các thành phần làm dịu, cân bằng và dưỡng ẩm trong da, các loại thực vật trên hỗ trợ giảm mẩn ngứa cho bé rất tốt. Mẹ có thể thái lát mỏng hoặc nghiền nát thành hỗn hợp sệt, dính đắp lên da cho trẻ.
5. Dưỡng ẩm da
Dưỡng ẩm đều đặn giữ cho da luôn đủ độ ẩm, da mềm mại, mịn màng và đàn hồi hơn. Việc này sẽ hạn chế tình trạng tróc vảy, khô ráp, sần sùi khó chịu mà các vết mẩn ngứa gây ra, đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da diễn ra nhanh hơn.
Tuy nhiên, da trẻ em, đặc biệt là bé sơ sinh, vô cùng nhạy cảm và non nớt. Mẹ chú ý lựa chọn cho bé những loại kem dưỡng ẩm lành tính, đạt tiêu chuẩn an toàn cho trẻ em, cấp ẩm và nuôi dưỡng làn da từ sâu bên trong một cách dịu nhẹ.
II. Khi nào cần đưa trẻ bị mẩn ngứa đến bác sĩ?
1. Bé bị khó thở
Luôn có khả năng vết mẩn ngứa, phát ban trên da trẻ là kết quả của những phản ứng dị ứng. Trong một số trường hợp, dị ứng có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.
Nếu cha mẹ thấy bé khó hít thở, thở khò khè, hụt hơi, hãy đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.
2. Mẩn ngứa xảy ra cùng các triệu chứng khác
Hãy chú ý nếu trẻ nổi mẩn đỏ trên cơ thể, kèm theo một hoặc vài biểu hiện khác như:
- Ho;
- Sốt;
- Biếng ăn, bỏ bú, quấy khóc nhiều;
- Uể oải, lờ đờ, mất ý thức;
- Bé chỉ bị mẩn đỏ, nhưng vết mẩn ngứa lan rộng nhanh chóng, lâu ngày không khỏi.
- Mẩn ngứa đột ngột lan rộng toàn thân.
Đó có thể là cảnh báo về một vấn đề lớn hơn đang xảy ra, như dị ứng hoặc các bệnh da liễu nghiêm trọng. Các bậc phụ huynh nên cho bé đi thăm khám bác sĩ để chẩn đoán xác định và có biện pháp điều trị đúng đắn.
3. Vết mẩn có dấu hiệu nhiễm trùng
Cha mẹ hãy đề phòng bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào có thể xuất hiện trên da bé, bao gồm:
- Vết mẩn phồng rộp, chảy dịch đục, vàng;
- Chảy máu hoặc nứt da;
- Các chấm nhỏ màu đỏ tươi hoặc màu tím (chấm xuất huyết) trên vết mẩn;
Đây có thể là dấu hiệu của một các nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn gây nên, cần phải được xác định tác nhân gây bệnh và có phương hướng điều trị phù hợp, kịp thời.
Bé bị mẩn ngứa phải làm sao, qua bài viết trên đây thì chắc hẳn mẹ đã nắm được những biện pháp giải quyết đúng đắn, an toàn khi trẻ phải đối mặt với tình trạng này. Đồng thời, cha mẹ cũng cần phải luôn theo dõi sát sao các biểu hiện kèm theo mẩn ngứa để có hướng xử trí kịp thời cho trẻ .
Nếu còn bất cứ câu hỏi nào, hãy cho chúng tôi biết bằng cách comment tại mục bình luận bên dưới bài đăng hoặc liên hệ tổng đài miễn cước 1800 8179. Đừng quên truy cập website kutieskin.vn thường xuyên để không bỏ lỡ những bài chia sẻ hữu ích khác nhé!
Xem thêm :
Nguồn : https://kutieskin.vn/