Trẻ bị viêm da cơ địa: Dấu hiệu nhận biết và cách chữa trị
Tác giả
Tham vấn y khoa
Thời gian đăng
Thời gian cập nhật
Trẻ bị viêm da cơ địa có đặc điểm là xuất hiện các mảng mẩn đỏ, sưng tấy ngoài da, làm cho bé luôn ngứa ngáy, khó chịu. Phát hiện sớm và tiến hành điều trị, chăm sóc đúng cách sẽ giúp việc kiểm soát bệnh viêm da cơ địa trở nên dễ dàng hơn.
I. Trẻ bị viêm da cơ địa là bệnh gì?
Viêm da cơ địa, còn được gọi là chàm thể tạng hay atopic dermatitis là một chứng viêm da mãn tính, hay tái phát và dai dẳng. Các vùng da mẩn ngứa, viêm sưng, bong tróc, đóng vảy tiết,… là đặc điểm đặc trưng của viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa bùng phát phổ biến ở thời điểm trẻ còn nhỏ, trong khoảng từ 3 tháng – 2 tuổi. Tỷ lệ trẻ em trên 5 tuổi mới xuất hiện viêm da cơ địa rất thấp, chỉ khoảng 10%.
Khi trẻ lớn lên, chứng bệnh này cũng sẽ dần cải thiện và biến mất. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh vẫn đeo bám kể cả khi bé đã trường thành. Những trẻ em này sẽ có nguy cơ cao sẽ phải sống chung với viêm da cơ địa đến cuối đời.
II. Làm sao phát hiện trẻ bị viêm da cơ địa?
Với từng độ tuổi, giai đoạn bệnh, biểu hiện trẻ bị viêm da cơ địa cũng sẽ có những điểm khác biệt.
Viêm da cơ địa có 3 giai đoạn, chia thành cấp tính, bán cấp và mạn tính. Theo các quan sát thực tế, ít khi viêm da cơ địa phân hẳn thành các giai đoạn trên da mà thường xen kẽ nhiều thể bệnh một lúc.
Trẻ bị viêm da cơ địa gồm ba giai đoạn chính:
– Cấp tính: Xuất hiện các vết mẩn sưng, ban tấy đỏ thành đám trên da, không phân biệt rõ vùng da lành với nơi bị bệnh. Trên bề mặt mẩn đỏ có thể nổi mụn nước li ti, rỉ dịch và đóng vảy tiết.
– Bán cấp: Sự phù nề hay rỉ dịch giảm bớt. Da có dấu hiệu lên da non, các triệu chứng giảm bớt mức độ biểu hiện.
– Mạn tính: Vùng da bị viêm dày và thẫm màu hơn, có gờ cộm rõ ràng, sờ vào thấy thô ráp, xù xì. Da xuất hiện các sẩn thâm hằn như cổ trâu (liken hóa).
Viêm da cơ địa có thể ảnh hưởng đến mọi vùng da trên cơ thể. Thế nhưng, tùy thuộc độ tuổi của trẻ mà vị trí bùng phát có thể thay đổi.
– Bé sơ sinh bị viêm da cơ địa ở mặt là hay gặp nhất. Độ tuổi dưới 1 tuổi thì trẻ hay xuất hiện vết viêm da ở vùng má, cằm, trán, quanh miệng, quanh tai.
– Khi trẻ lớn và di chuyển nhiều hơn, viêm da cơ địa chuyển sang tay chân hay các nếp gấp cơ thể (cẳng tay, cẳng chân, khớp tay, bàn tay, bàn chân, cổ,…).
Bên cạnh đó, trang thông tin y tế Mayo Clinics còn chỉ ra, 80% trẻ bị viêm da cơ địa mắc kèm thêm các tình trạng dị ứng như viêm mũi dị ứng hay hen suyễn.
III. Vì sao trẻ bị viêm da cơ địa?
Nguyên nhân chính xác dẫn đến viêm da cơ địa ở trẻ em vẫn chưa được giới khoa học khẳng định. Vậy nhưng, các nhà nghiên cứu cho rằng, viêm da cơ địa là kết quả của những tác động kết hợp sau:
– Di truyền: Trẻ bị viêm da cơ địa có khả năng cao được sinh ra từ cha, mẹ hoặc cả hai người bị các bệnh như chàm thể tạng, vảy nến, mề đay, hen phế quản,…
– Bất thường trong cấu trúc lớp hàng rào ngoài da: Filaggrin là một protein có nhiệm vụ cấu tạo nên lớp màng bảo vệ ngoài cùng của da. Nếu thiếu filaggrin, độ ẩm dễ bị thoát ra ngoài hơn, cũng như vi sinh vật, chất dị ứng dễ xâm nhập được vào cơ thể và kích hoạt phản ứng gây viêm.
– Thời tiết: Trời lạnh, hanh khô, độ ẩm không khí thấp là thời điểm dễ bùng phát viêm da cơ địa.
– Hóa chất: Da trẻ em rất mỏng manh và nhạy cảm. Vì thế, khi phải tiếp xúc với các hóa chất mạnh như xà phòng, nước tẩy rửa, chất bảo quản, hương liệu,… có thể khiến da trẻ bị kích ứng.
– Bụi bẩn: Khói thải từ xe cộ, nhà máy hay dị nguyên trong không khí (phấn hoa, đất bụi, lông động vật) cũng là tác nhân gây dị ứng điển hình.
– Thực phẩm: Trẻ nhỏ dễ bị dị ứng với các món ăn làm từ hải sản, trứng, sữa, hạt,… Trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa cũng có thể là vì lý do này, do trẻ tiếp nhận gián tiếp dị nguyên thông qua sữa mẹ khi mẹ ăn các thực phẩm trên.
Xem thêm: Trẻ bị viêm da cơ địa kiêng ăn gì để nhanh chóng phục hồi ?
IV. Biện pháp xử trí đúng cách khi trẻ bị viêm da cơ địa
Hiện tại, vẫn chưa có một cách thức nào có thể chữa dứt điểm viêm da cơ địa cho bé. Mục tiêu chính khi điều trị là kiểm soát được các triệu chứng viêm sưng, ngứa ngáy để trẻ thoải mái hơn; đồng thời phòng ngừa tái phát trong tương lai.
1. Dưỡng ẩm và chăm sóc da đều đặn
Tổ chức uy tín National Eczema Association – Mỹ đã đưa dưỡng ẩm da vào trong hướng dẫn điều trị trẻ bị viêm da cơ địa, vì các lợi ích tuyệt vời nó mang lại.
Trước hết, da thiếu ẩm, khô ráp chính là một yếu tố thúc đẩy viêm da cơ địa bùng phát. Nó cũng là một đặc điểm thường xuyên hiện hữu ở những đối tượng mắc bệnh lý này. Da khô gia tăng tình trạng ngứa ngáy, châm chích trên da, làm bé cực kỳ khó chịu, bứt rứt.
Hơn nữa, da ẩm hỗ trợ quá trình chữa lành các tổn thương trên da được thuận lợi hơn. Sức khỏe làn da, cũng như khả năng miễn dịch, chống lại tác nhân gây bệnh của da cũng phụ thuộc nhiều vào việc da có được cung cấp đủ độ ẩm cần thiết.
Vậy nên, việc dưỡng ẩm da đầy đủ là điều mẹ không thể quên nếu muốn cải thiện chứng viêm da cơ địa cho trẻ. Chuyên gia đưa ra một số lời khuyên cho phụ huynh trong vấn đề giữ ẩm da cho con trẻ, như sau:
– Nên lựa chọn loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, có nguồn gốc thiên nhiên, không chứa chất tạo màu, tạo mùi, chất bảo quản,… sẽ bớt nguy cơ kích ứng da trẻ và làm viêm da cơ địa trầm trọng hơn.
– Mẹ nhớ thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày cho trẻ, trung bình từ 2 – 4 lần/ ngày. Vào mùa khô hanh, giá lạnh có thể tăng tần suất dưỡng ẩm hơn.
– Hạn chế tắm nước nóng. Nhiệt độ nước tắm chỉ nên trong mức 38 – 42 độ C.
– Không cho trẻ ngâm tắm quá lâu, giới hạn tối đa 10 – 15 phút.
– Cha mẹ có thể trang bị thêm các loại máy tạo độ ẩm trong phòng trẻ để giữ không khí luôn mát mẻ, dễ chịu.
– Dặn trẻ không gãi, chà sát mạnh vào vùng viêm da cơ địa để tránh gây trầy xước, nhiễm trùng vết thương. Cắt ngắn móng tay và dũa đều cho bé. Với bé sơ sinh chưa ý thức được, mẹ hãy cho bé đeo bao tay nhé.
2. Giải quyết viêm da cơ địa ở trẻ bằng Đông y
Y học dân gian quan niệm, viêm da cơ địa gây nên bởi nhiệt độc uất kết dưới da phát thành các biểu hiện sưng mẩn, phát ban, ngứa ngáy. Cách thức giải quyết là sử dụng các vị dược liệu, tiến hành thanh nhiệt, đào thải độc tố, chứng viêm da sẽ tự biến mất.
Phương pháp Đông y hiện nay đang được khá nhiều bậc cha mẹ ưa chuộng, vì tính an toàn, lành tính, ít tác dụng phụ. Một số loại thảo dược dân gian trị viêm da cơ địa cho bé hay được sử dụng là:
– Lá kinh giới: Có công dụng tiêu độc, giảm viêm sưng, ngứa ngáy ngoài da rất tốt nhờ các thành phần tinh dầu và kháng sinh tự nhiên. Mẹ lấy một nắm kinh giới tươi, cho vào đun sôi với nước và dùng lau tắm cho bé hàng ngày.
– Sài đất: Nhắc đến vị thuốc trị bệnh da liễu cho bé, không thể không nhắc đến sài đất. Hiệu quả giải độc, thanh nhiệt, chống viêm ngoài da của sài đất giúp nó là thành phần hữu hiệu chống lại trẻ bị viêm da cơ địa. Mẹ hãy lấy lá sài đất khô, đun nước tắm cho bé từ 3 – 4 lần/ tuần.
– Lá lốt: Trong lá lốt chứa hoạt chất flavonoid và alkaloid ở nồng độ rất cao, có khả năng diệt gốc tự do, hạn chế viêm nhiễm trên da tích cực. Giã lá lốt tươi đắp lên vùng viêm da cơ địa, hoặc dùng lá lốt đun nước rửa cho bé đều được.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể ứng dụng các loại dược liệu khác như lá khế, lá ổi, trầu không, trà xanh, mướp đắng,…. đều có hiệu quả khả quan trong việc đẩy lùi viêm da cơ địa.
Tuy nhiên, vì đặc điểm của thảo dược thiên nhiên là hiệu quả chậm, nên cách thức này ít có nhiều tác dụng nếu triệu chứng viêm da bùng phát dữ dội.
Bên cạnh đó, tràn lan nguồn nguyên liệu thảo dược kém chất lượng, cũng như quy trình chế biến rườm ra, nhiều bước cũng khiến các bậc phụ huynh ngần ngại khi áp dụng.
3. Trẻ bị viêm da cơ địa dùng thuốc gì?
Trong các trường hợp trẻ bị viêm da cơ địa nghiêm trọng, cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay để được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc. Những nhóm thuốc hay dùng để điều trị viêm da cơ địa cho bé là:
– Thuốc bôi corticoid: Có tác dụng kháng viêm, giảm ngứa mạnh, nhanh chóng. Thường chỉ được dùng trong thời gian ngắn, trên diện tích da nhỏ vì lo ngại nguy cơ xảy ra biến chứng, đặc biệt khi dùng cho trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa.
– Nhóm ức chế calcineurin: Có hiệu quả giảm viêm tốt tương đương corticoid tại chỗ, nhưng ít tác dụng phụ hơn. Có thể dùng lâu ngày để tránh tái phát viêm da cơ địa.
– Nhóm kháng histamin: Được kê đơn để giảm ngứa và dị ứng da, giúp bé dễ ngủ hơn. Không được chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi.
– Kháng sinh, kháng nấm: Dùng khi trẻ có biểu hiện nhiễm trùng.
Việc sử dụng thuốc hoàn toàn phải tuân theo sự chấp thuận và hướng dẫn của chuyên gia y tế. Phụ huynh không được tự ý mua thuốc cho con dùng, tránh xảy ra các hậu quả đáng tiếc.
Trẻ bị viêm da cơ địa cần phải được phát hiện sớm và xử trí theo các cách thức khoa học, hợp lý, an toàn. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào, hãy cho chúng tôi biết bằng cách comment tại mục bình luận bên dưới bài đăng hoặc liên hệ tổng đài miễn cước 1800.8179. Đừng quên truy cập website kutieskin.vn thường xuyên để không bỏ lỡ những bài chia sẻ hữu ích khác nhé!
Nguồn : https://kutieskin.vn/