Viêm da tụ cầu ở trẻ em là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Tác giả
Tham vấn y khoa
Thời gian đăng
Thời gian cập nhật
Viêm da tụ cầu ở trẻ là một bệnh lý da liễu nghiêm trọng, cần được xử lý kịp thời và đúng cách. Nhận biết sớm các dấu hiệu và đưa trẻ đi thăm khám, điều trị sớm sẽ rút ngắn thời gian lành bệnh, cũng như giảm thiểu nguy cơ tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra.
I. Bệnh viêm da tụ cầu ở trẻ là gì?
Viêm da tụ cầu ở trẻ là một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn thường gặp. Staphylococci (tụ cầu khuẩn) thường sống trên da và màng nhầy của con người. Trong đó, Staphylococcus aureus (S.aureus) hay còn gọi là “tụ cầu vàng” là loại cầu khuẩn được chú ý và nghiên cứu nhiều nhất.
Đó là vì, tụ cầu vàng là một trong những vi khuẩn gây bệnh phổ biến và phiền phức nhất ở người. Nó là nguyên nhân gây ra hơn 70% tổng số ca nhiễm trùng da và mô mềm ở trẻ em. Ước tính, lượng bệnh nhân nhi đến thăm khám có liên quan đến tụ cầu vàng chiếm tới 1/5 tổng số lượt.
Khoảng 15–40 % người khỏe mạnh có sự có mặt của tụ cầu vàng trên da. Lúc này, vi khuẩn tồn tại mà không mang đến bất kỳ triệu chứng bất thường nào ảnh hướng đến da. Các vị trí vi khuẩn hay “trú ẩn” thường là lỗ mũi và chỗ uốn cong của cơ thể.
II. Dấu hiệu và nguyên nhân gây viêm da tụ cầu ở trẻ
Tụ cầu vàng có khả năng gây nhiễm khuẩn ở nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể. Nhiễm trùng S.aureus thường gặp ở những đối tượng hay bị thương, trầy xước ngoài da, da khô nứt nẻ hoặc mỏng yếu.
Chính vì vậy, viêm da tụ cầu ở trẻ em rất phổ biến. Ngoài ra, một số nhóm nghề nghiệp như nhân viên y tế cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nguyên nhân làm gia tăng viêm da tụ cầu ở trẻ:
- Viêm da cơ địa, viêm da dị ứng.
- Trẻ em suy dinh dưỡng; thiếu sắt.
- Cơ thể có dị vật, ví dụ: máy tạo nhịp tim, ống thông, chỉ khâu y tế,…
- Vừa tiến hành thủ thuật phẫu thuật gần đây.
- Sử dụng corticoid toàn thân, retinoids, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc gây độc tế bào.
- Suy thận, đặc biệt là những trẻ nhỏ đang tiến hành lọc máu.
- Rối loạn máu như bệnh bạch cầu và ung thư hạch
- Thiếu hụt immunoglobulin M (IgM)
- Bệnh u hạt mãn tính
- Hội chứng Chediak-Higashi
- Hội chứng Job và hội chứng Wiskott – Aldrich (một rối loạn suy giảm miễn dịch tiên phát, liên quan đến bệnh chàm bội nhiễm tụ cầu nghiêm trọng, tăng IgE và bất thường chức năng bạch cầu)
Dấu hiệu nhận biết viêm da tụ cầu
Nếu trẻ bị viêm da tụ cầu, mẹ có thể nhận thấy một số biểu hiện sau đây:
- Viêm nang lông: Lỗ chân lông sưng đỏ, đau rát, mưng mủ. Sau một thời gian, nốt mụn khô lại, đóng vảy và gây ngứa ngáy.
- Bong da: Lớp thượng bì bị bong tróc vảy. Da có các bọng nước, lan rộng, khi vỡ rỉ dịch.
- Đinh nhọt: Nốt mụn nhọt lớn, trong có mủ trắng hoặc vàng đục. Vùng đinh nhọt sưng đỏ, gây đau nhức. Khi vỡ, nốt mụn có ngòi và nhiều đầu.
- Triệu chứng toàn thân: Trẻ ốm sốt, mệt mỏi, uể oải, bỏ ăn, bỏ bú,…
III. Các thể bệnh da liễu do nhiễm tụ cầu
Viên da tụ cầu ở trẻ em có thể biểu hiện theo nhiều cách:
- Nhiễm trùng nang lông: bao gồm viêm nang lông do tụ cầu, nhọt, áp-xe.
- Chốc lở.
- Chốc loét.
- Viêm mô tế bào;…
Ngoài ra, độc tố của tụ cầu vàng tiết ra cũng gây nên những bệnh da nghiêm trọng:
- Hội chứng da bong vảy do tụ cầu (SSSS): Thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi; đôi khi là người lớn bị suy thận.
- Hội chứng sốc nhiễm độc: Tương đối phổ biến, thường là do tụ cầu giải phóng độc tố Toxin-1 (TSST-1) hoặc độc tố ruột B. Những độc tố này còn được gọi là siêu kháng nguyên vì chúng có khả năng tạo ra phản ứng viêm lớn. Nếu trẻ đã từng tiếp xúc trước đó với loại độc này, bé sẽ được sinh miễn dịch và không bị tấn công vào lần sau.
- Bệnh tinh hồng nhiệt (scarlet fever).
- Độc tố của tụ cầu cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm.
IV. Viêm da tụ cầu ở trẻ có nguy hiểm không?
Staphylococcus aureus được phân loại là cầu khuẩn Gram dương, dựa trên hình ảnh của chúng dưới kính hiển vi. Tụ cầu vàng có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc nhóm thành từng cặp, chuỗi ngắn hoặc cụm giống quả nho. Chúng thường là những vi khuẩn kỵ khí dễ nuôi. Điều này có nghĩa là, tụ cầu vàng có khả năng sống sót ở nhiều mức độ oxy hóa khác nhau.
Trước đây, tụ cầu khuẩn hiếm khi gây ra vấn đề gì, ngoại trừ những trường hợp nhiễm trùng da nhẹ. Và những bệnh nhiễm trùng này có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh.
Nhưng trong những năm gần đây, đã có sự gia tăng lớn các chủng vi khuẩn tụ cầu vàng kháng kháng sinh như MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin). MRSA là một mối quan tâm ngày nay vì nó khó điều trị hơn các bệnh nhiễm trùng khác. Bệnh còn có thể lây nhiễm sang những trẻ em khỏe mạnh chứ không chỉ dừng lại ở bé có hệ miễn dịch suy yếu như trước đây.
Tụ cầu vàng chỉ có thể xâm nhập qua da hoặc niêm mạc bị vỡ rách, trầy xước. Một khi đã vào trong, nó có nhiều cách khác nhau để né tránh sự phòng thủ và tiêu diệt của vật chủ, gồm có
- Ẩn các kháng nguyên để tránh phản ứng miễn dịch
- Tiêu diệt các tế bào thực bào
- Tồn tại trong tế bào thực bào của vật chủ
- Phát triển khả năng kháng thuốc kháng sinh
- Giải phóng độc tố, gây nhiễm độc.
Vì thế nên nhiễm khuẩn tụ cầu, đặc biệt tụ cầu vàng kháng kháng sinh là bệnh lý nghiêm trọng, đòi hỏi phải được điều trị nhanh chóng, đúng cách.
V. Điều trị viêm da tụ cầu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Điều trị viêm da tụ cầu ở trẻ nhỏ cần phải được tiến hành nhanh chóng sau khi xác định căn nguyên gây bệnh.
- Kháng sinh thích hợp, như cephalexin, clindamycin, amoxicillin/ acid clavulanic
- Thuốc kháng viêm
- Thuốc giảm đau
- Thuốc mỡ, dung dịch bôi da giảm ngứa, sát trùng
- Chích mủ từ nhọt nhiễm trùng
- Phẫu thuật loại bỏ mô hoại tử
- Loại bỏ các dị vật có thể gây nhiễm trùng dai dẳng (ví dụ: chỉ khâu phẫu thuật)
- Điều trị bệnh da tiềm ẩn (ví dụ: chàm cơ địa)
VI. Phòng ngừa viêm da tụ cầu ở trẻ em
Do tình trạng các chủng tụ cầu kháng thuốc kháng sinh ngày càng lan rộng, cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe cho bé là tích cực, chủ động đề phòng nhiễm bệnh, như sau:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, trước và sau khi chạm vào vùng da tổn thương.
- Làm sạch vi khuẩn cư trú trong lỗ mũi và dưới móng tay bằng thuốc mỡ kháng sinh (ví dụ: axit fusidic hoặc mupirocin).
- Giữ sạch các vết cắt, trầy xước trên da.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm cho bé bị khô nẻ, chàm da.
- Tránh để trẻ tiếp xúc nhiều với đất bẩn, nước ô nhiễm, động vật,…
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, acid béo tốt nhằm gia tăng thể lực, cải thiện đề kháng.
Viêm da tụ cầu ở trẻ là căn bệnh phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, cùng với tích cực phòng ngừa, hạn chế bệnh lây nhiễm. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào, hãy cho chúng tôi biết bằng cách comment tại mục bình luận bên dưới bài đăng hoặc liên hệ tổng đài miễn cước 1800 8179. Đừng quên truy cập website kutieskin.vn thường xuyên để không bỏ lỡ những bài chia sẻ hữu ích khác nhé!
Nguồn: https://kutieskin.vn/